"Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn". Ảnh: NSNA Lâm Hồng Long
Báo Cứu Quốc số 416 ra ngày 25-11-1946 đã đăng tường thuật như sau:
“Hà-nội, 24-11-1946: Hội nghị văn hóa toàn quốc họp phiên khai mạc sáng nay vào hồi 9 giờ tại Nhà hát lớn.
Tới dự có Cụ Hồ, Chủ tịch Chính phủ, Cụ chủ tịch Ủy ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và mấy vị bộ trưởng. Các đại biểu, các nhà văn hóa toàn quốc có hơn 200 vị gồm cả Trung Nam Bắc. Hồ Chủ tịch đọc diễn văn khai mạc...Hồ Chủ tịch khiêm tốn nói rằng, Người sẽ chỉ nói đến văn hóa theo ý kiến và quan điểm của Người. Hồ Chủ tịch thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.
... Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ.
Hồ Chủ tịch nói thêm rằng văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hoá vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ.... Đồng thời văn hoá phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình.
Với xã hội, văn hoá phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng.
Để kết luận, Người nói: Tôi mong chúng ta đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.
(Nguyên văn bài phát biểu 40 phút của Bác nay không lưu được, chỉ có trên tường thuật của báo Cứu Quốc- PV).
Đây là những luận điểm cực kỳ sâu sắc và xác đáng về văn hóa, về xây dựng văn hóa mới.
Tiết mục múa Bông Sen mừng sinh nhật Bác Hồ. Ảnh: Anh Sơn
Từ đổi mới (1986) đến nay, qua tổng kết thực tiễn và đúc kết lý luận, Đảng ta đã bổ sung, điều chỉnh, phát triển và từng bước hoàn thiện quan điểm cơ bản về văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Nhiều luận điểm mới đã được xác định.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII-1998) về văn hóa nêu quan điểm: Văn hóa “vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”. Đó là quan điểm mới (so với trước đó). Song, tổng kết thực tiễn gần 20 năm đổi mới, trong Nghị quyết Trung ương 33 (khóa XI-2014) đã thay đổi một cụm từ trong quan điểm trên, Văn hóa “là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”. Vai trò của văn hóa đã được khẳng định ở một tầm nhìn mới, rộng và toàn diện hơn, không chỉ dừng lại ở hai lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Phát triển kinh tế để làm gì? Mục tiêu cuối cùng và cao nhất phải là, nhất thiết là: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện” (Nghị quyết Trung ương 5- khóa VIII). Đây là luận điểm cực kỳ hệ trọng đối với sự chỉ đạo phát triển kinh tế, mà thời gian qua, đã có biểu hiện, quan điểm đó chưa được nhận thức đúng tầm của nó, nhiều lúc dừng lại hay rơi vào mục tiêu chỉ lo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Luận điểm trên đòi hỏi đồng thời, không thể tách rời nhau hai yêu cầu trong tư duy chỉ đạo, một mặt, tạo bằng được sự phát triển tương xứng, hài hòa, gắn kết với nhau giữa bốn trụ cột của sự phát triển: kinh tế, chính trị, văn hóa và môi trường (xã hội là một lĩnh vực quan trọng trong môi trường) và mặt khác, làm cho văn hóa thẩm thấu vào toàn bộ đời sống xã hội và từng lĩnh vực như chính trị, luật pháp, kinh tế, kỷ cương, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, các quan hệ xã hội… để văn hóa thật sự là nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển bền vững.
Nhấn mạnh hai luận điểm trên của Đảng ta từ đổi mới đến nay về vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững để thấy rõ tầm nhìn mới và xa của Đảng và thể hiện năng lực tổng kết thực tiễn, nắm bắt quy luật phát triển của thế giới đương đại và cả những quy luật đặc thù về văn hóa đang tác động đến sự vận động của xã hội hiện đại. Hai luận điểm trên đã gặp gỡ với những nhận thức có tính đột phá của Liên hợp quốc những năm gần đây về vai trò của văn hóa trong đời sống hiện đại. Đó là thừa nhận văn hóa là một trong bốn trụ cột của sự phát triển bền vững, làm cho các lĩnh vực quan trọng của đời sống như kinh tế, chính trị, môi trường, xã hội… phải bắt rễ trong văn hóa, trong đó, đặc biệt, làm cho nhân tố chính trị, đường lối chính trị trở thành giá trị văn hóa và tuyệt đối không coi thường, hạ thấp hay hy sinh văn hóa để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trong lời tuyên bố mở đầu cho “Thập niên văn hóa và phát triển”, Tổng giám đốc UNESCO đã nhấn mạnh: “Kinh nghiệm của hai thập niên vừa qua cho thấy rằng, trong mọi xã hội ngày nay, bất luận ở trình độ kinh tế nào hoặc xu hướng chính trị và kinh tế nào, văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau. Nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng, cả kinh tế, văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu… Phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ vị trí trung tâm và vai trò điều tiết xã hội”.
Những nhận thức lý luận trên đây là cơ sở để nhìn nhận thực tiễn xây dựng văn hóa nước ta thời gian qua, tìm ra cái được và chưa được trong việc xác định vai trò văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết